HÀNH TRANG CHUYỂN CẤP – ĐỒNG HÀNH CÙNG CON

Chuyển cấp không chỉ còn là nỗi lo lắng của riêng học sinh với các kỳ thi mà đã là nỗi bận tâm của tất cả các bậc phụ huynh. Thế nhưng cha mẹ không nên quá lo lắng vào dịp này mà thay vào đó hãy xem rằng đây là dấu mốc quan trọng trên chặng đường đồng hành cùng con.

 

 

Một ngưỡng cửa được tất cả các bậc phụ huynh quan tâm đó là giai đoạn con bước vào THCS. Giai đoạn chuyển cấp sẽ có những thay đổi lớn về môi trường học đường và phương pháp học tập, chính vì vậy Trường Liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội xin chia sẻ cùng các các quý vị về những khác biệt, thay đổi mà các con sẽ đối mặt cũng như một số gợi ý để các quý vị chuẩn bị khi đồng hành với con, giúp các con tự tin khi bước vào năm học mới.

 

Sự khác biệt giữa bậc Tiểu học với bậc THCS

1. Môi trường học tập mới

Môi trường học tập là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến tinh thần, hứng thú học tập của các con học sinh. Đặc biệt là đối với các con học sinh chuyển cấp lên THCS. Trước đó, các con đã có thời gian dài học ở môi trường Tiểu học, việc đột ngột thay đổi môi trường cùng với quá trình tâm sinh lý “dậy thì” sẽ khiến các con bị choáng ngợp, thậm chí nhiều con học sinh rơi vào hoang mang, stress nếu không được trang bị tinh thần từ trước.

 

 

Ở Tiểu học, các con được học trong môi trường chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm đảm nhận dạy hầu hết các môn học, sẽ cảm thấy thân thuộc, gần gũi, giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn làm bài và trình bày bài tỉ mỉ. Tuy nhiên, ở cấp THCS, các con sẽ có nhiều môn học hơn, phân theo từng tiết học, mỗi môn học sẽ là một giáo viên hướng dẫn với phong cách giảng dạy khác nhau, yêu cầu môn học cũng vì vậy mà khác. Thế nên, các con sẽ cảm thấy bỡ ngỡ, lạ lẫm, một số bạn sẽ thấy thầy cô giảng bài khá nhanh và chưa quen với việc tự giác ghi chép bài. Bên cạnh đó, các con cũng phải làm quen với bạn bè mới – những người bạn mà các con chưa từng gặp trước đây, nên chơi vơi, ngại ngùng là điều không tránh khỏi khi con bước vào cấp THCS.

 

2. Chương trình học – sách giáo khoa và kiểm tra đánh giá

Ở bậc Tiểu học, các con tiếp cận với chương trình học cơ bản, phương pháp đánh giá nhẹ nhàng bằng nhận xét, động viên, khích lệ. Nhưng đối với THCS, từ năm học 2021-2022 các con sẽ được học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình xây dựng theo hướng phát triển năng lực, thông qua khiến thức cơ bản nhưng tính ứng dụng thực tế cao và cả phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành phát triển năng lực, phẩm chất. Không chỉ có vậy, ở THCS phương pháp kiểm tra đánh giá cũng có những thay đổi, hình thức kiểm tra đánh giá không chỉ là các bài kiểm tra để điểm số cao mà học sinh cần phải đạt được chuẩn đầu ra về phẩm chất, năng lực của từng môn học.

 

 

Chính vì chương trình mới mà sách giáo khoa cũng thay đổi rõ rệt. Các con sẽ được học các bộ sách giáo khoa như: Bộ Cánh Diều, bộ Kết nối tri thức và bộ Chân trời sáng tạo. Mỗi bộ sách sẽ có những yêu cầu và cách diễn giải khác nhau nhưng vẫn đảm bảo về mặt nội dung kiến thức, trang bị cả về hành trang kiến thức lẫn định hướng phát triển năng lực cho mỗi học sinh.

 

3. Những môn học mới và lượng kiến thức

Đối với cấp THCS, các con sẽ có nhiều môn học, đó là những môn học hoàn toàn mới lạ mà ở cấp Tiểu học không có. Chính vì số lượng môn học nhiều hơn nên lượng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cũng có độ khó và những yêu cầu cao hơn đòi hỏi học sinh phải chăm chú nghe giảng cũng như chủ động trong việc tự học, tự ôn tập ở nhà. Không chỉ riêng môn Toán, Tiếng Anh hay Ngữ Văn mà cả các môn học vốn được xem là “môn phụ” cũng trở thành môn học quan trọng và có đội khó nhất định, đòi hỏi các con học sinh cần dành nhiều thời gian, mỗi ngày chăm chỉ làm bài tập.

 

4. Phương pháp học tập

Như đã nói ở trên, với mỗi môn học các thầy cô sẽ có phương pháp và phong cách giảng dạy khác nhau, nếu các con không có phương pháp học tập linh hoạt, nhanh nhẹn thích nghi thì rất dễ bị thụt lùi về sau, không thể bám sát, thi đua với bạn bè. Ở cấp Tiểu học, các con đã quen với tốc độ đọc- viết chậm, sử dụng bút mực và vở ô ly thì ở cấp THCS các con có thể viết bằng bút mức, bút bi và sử dụng vở kẻ ngang, được làm quen với những môn học mang tính thực tiễn, ứng dụng cao, được thực hành và thí nghiệm.

 

 

Phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng không còn là đọc- viết mà đòi hỏi học sinh phải vừa lắng nghe, vừa chắt lọc kiến thức, từ khóa của bài vừa nhanh tay ghi chép lại. Chuẩn bị bài cẩn thận và xem qua bài trước mỗi buổi học là cách tốt nhất giúp học sinh theo kịp kiến thức trên lớp cũng như nắm rõ để đáp ứng được yêu cầu, quy định về nền nếp, soạn bài, kiểm tra của mỗi thầy giáo, cô giáo.

 

5. Những thay đổi về tâm sinh lý của học sinh

Bên cạnh vấn đề học tập, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý khi con lên lớp 6, đây là giai đoạn các con có sự cải tổ về mặt giải phẫu sinh lý, tốc độ phát triển cơ thể nhanh, mạnh mẽ, nhưng không cân đối. Đặc biệt là các con học sinh xuất hiện những dấu hiệu của tuổi dậy thì, các con muốn được thể hiện bản thân, muốn được công nhận và khẳng định mình. Lứa tuổi này, các con dễ trở nên cáu ghắt, khó bảo, nhiều khi còn tự làm theo ý mình mà chưa chắc hiểu đúng vấn đề, nếu lệch hướng sẽ rất dễ rơi vào khủng hoảng, sai lầm về hành vi, lối sống và nhận thức. Do vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm tới suy nghĩ, chia sẻ, cảm nhận của các con để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh.

 

Và tiếp theo đây, sẽ là một số gợi ý giúp cho các bậc phụ huynh cảm thấy dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ và đồng hành với các con khi con vượt qua giai đoạn đặc biệt này:

Chuẩn bị về tâm lý

Bước sang năm học lớp 6, không chỉ là con lên một lớp học tiếp theo mà còn đánh dấu sự chuyển cấp của con. Giai đoạn này, con cần học cách thích nghi với việc sẽ học theo một phương pháp học hoàn toàn mới, bạn bè và thầy cô mới. Nhiều học sinh chưa có sự chuẩn bị tâm lý dẫn đến bị lo lắng, không bắt kịp với môi trường mới dẫn đến tình hình học tập bị sa sút.

Các bậc phụ huynh hãy chia sẻ với con về những khác biệt giữa cấp Tiểu học và THCS, để con cảm thấy háo hức, tò mò với môi trường mới, đó sẽ nơi để con khám phá, thể hiện bản thân, là nơi con có thêm những người bạn mới, có thêm nhiều kiến thức, nhiều môn học đòi hỏi tính suy luận và logic, giúp con mở rộng tầm nhìn, học hỏi thêm những điều mới lạ. Các con sẽ rất cần cha mẹ khích lệ, động viên và chỉ dẫn để con tự tin tích ứng với môi trường học tập mới.

Ở lứa tuổi này, các con có thay đổi về mặt thể chất, trí tuệ, lẫn tình cảm –xúc cảm, nên thoắt vui, thoắt buồn. Do vậy, các bậc phụ huynh nên “lạt mềm buộc chặt”, lắng nghe và làm bạn với con, xem mong muốn, nhu cầu hay những khó khăn mà con đang gặp phải là gì để kịp thời hỗ trợ, giúp các con cảm thấy yên tâm vì luôn có cha mẹ bên cạnh.

 

Chuẩn bị phương pháp học tập

Các bậc phụ huynh hãy cùng con xây dựng thời gian biểu cụ thể, đảm bảo cân đối giữa lịch học tập ở trường cũng như phù hợp với lịch sinh hoạt chung của cả gia đình, để con sớm duy trì thói quen và dần hình thành nền nếp. Giúp con biết phân chia thời gian để học các môn, đặc biệt hiểu rõ bản thân yếu môn nào để trau dồi nhiều thời gian hơn, môn nào cần lướt qua vẫn có khả năng nắm được nội dung. Sát sao trong vấn đề chuẩn bị bài học, việc tìm hiểu trước kiến thức tại nhà sẽ giúp con nhanh chóng tiếp thu kiến thức hiệu quả khi đến lớp. Với những bài tập khó hiểu hoặc chưa rõ, cần khuyến khích các con hỏi lại thầy cô và bạn bè để được giải đáp kĩ càng hơn. Bên cạnh đó, hướng dẫn con một số phương pháp học tập giúp ghi nhớ hiệu quả hơn như kĩ năng ghi chép, trình bày, tổng hợp kiến thức quan trọng sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, khuyến khích con sử dụng bút màu, bút nhớ, giấy note hay tạo sơ đồ tư duy… Như vậy, sẽ khiến việc học trở nên nhẹ nhàng hơn mà vẫn đạt hiệu quả như mong muốn.

 

 

Tự học cũng rất quan trọng, các bậc phụ huynh cần động viên, nhắc nhở các con nâng cao tinh thần tự học bằng cách hướng dẫn con soạn bài từ trước, xem kiến thức cơ bản của năm học mới thông qua các khóa học online. Điều này sẽ giúp con có thời gian làm quen được với kiến thức lớp 6 và nâng cao khả năng tự học. Giúp con hiểu, việc tự giác trong học tập, là con thực sự hứng khởi, học vì bản thân con, học để tiếp nhận, khám phá tri thức chứ không phải là ép buộc con học theo nhu cầu của cha mẹ. Dĩ nhiên, vẫn cần có những áp lực nhất định để trẻ phát huy hết năng lực và học tập nghiêm túc.

 

Chuẩn bị các kỹ năng sống cần thiết

Môi trường giao tiếp với thầy cô, bạn bè ở bậc THCS khác rất nhiều với bậc Tiểu học. Vì thế, việc trang bị cho con các kỹ năng sống cơ bản là điều cần thiết, sẽ giúp con phát huy sự tự tin, năng động và sáng tạo. Một trong những kỹ năng mà các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn, trang bị cho con như: Kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc, Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, Kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời, Kỹ năng giao tiếp và ứng xử, Kỹ năng đánh giá và phân biệt hành vi, Kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông, Kỹ năng đối diện và ứng phó khó khăn trong cuộc sống, Kỹ năng hợp tác, chia sẻ, Kỹ năng nhận tự thức và đánh giá bản thân…

Khi trẻ được trang bị các kỹ năng thật tốt, các con sẽ trở nên năng động, tự tin, mạnh dạn bày tỏ, chia sẻ về cảm nhận, suy nghĩ của bản thân, cũng như biết nhận thức, yêu cầu cao đối với bản thân mình. Việc rèn luyện và hình thành kỹ năng sống không đơn giản là ngày một, ngày hai và cần sự hỗ trợ nhiều từ phía: gia đình, nhà trường và chính bản thân học sinh, nhưng nếu có sự chuẩn bị từ trước sẽ là hành trang vững chắc giúp các con sẵn sàng không e ngại dù trong môi trường, hoàn cảnh như thế nào.

 

Không nên gây áp lực kết quả học tập cho trẻ

Vẫn biết kết quả cao, điểm số tốt luôn là những mong đợi từ phía các bậc phụ huynh, nhưng mỗi trẻ sẽ có tư duy, khả năng học tập khác nhau, có con học rất giỏi nhưng cũng không phủ nhận sẽ có những con học lực trung bình. Tuy nhiên, phụ huynh không nên so sánh hay lấy tiêu chuẩn quá cao để áp đặt cho sự phấn đấu của con. Suy cho cùng, điều mà các bậc làm cha làm mẹ mong mỏi là một đứa con ngoan, không giỏi giang xuất chúng nhưng phải thực sự là một người tử tế!

 

 

Hãy “làm bạn” cùng con, thảo luận với con về những vấn đề của xã hội, hay những vấn đề xuất hiện trong bài học của con. Hãy động viên khuyến khích con học tốt, phát huy thế mạnh, sở thích của bản thân (dù là thế mạnh về vận động hay trí tuệ cũng đều đáng được quan tâm). Ngày hôm nay con đã làm tốt hơn ngày hôm qua một ít, dần dần con sẽ tiến bộ hơn.

Mong rằng, những chia sẻ, gợi ý vừa rồi sẽ phần nào giúp quý phụ huynh hiểu rõ hơn những điểm khác biệt giữa hai cấp học để có thể chuẩn bị tâm lý cũng như hành trang kiến thức vào lớp 6 cho con ngay từ đầu năn học. Dẫu biết sẽ còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng trường Liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội sẽ luôn đồng hành cùng quý phụ huynh và các con học sinh yêu mến, làm sao để các con hiểu được những thay đổi trong cách học, cách giảng dạy và có định hướng phù hợp, giúp các con không còn áp lực, sợ học hay phải bỡ ngỡ khi bước vào giai đoạn chuyển cấp.

Các quý vị phụ huynh kính mến!

Chương trình học được thiết kế nhằm giúp các con hệ thống hóa kiến thức tiểu học, phát hiện những học sinh có năng lực nổi trội từng môn để nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi. Đối với các trường hợp hổng kiến thức, nhà trường có kế hoạch bù đắp kiến thức khi bước vào năm học. Thầy cô sẽ hướng dẫn, giảng dạy để các con làm quen với môi trường học tập năng động, sáng tạo và tích cực, tiếp cận phương pháp và công cụ học tập để rèn luyện kỹ năng tự học các môn: Ngữ Văn – Toán học – Tiếng Anh, phát huy sự phát triển trí não của học sinh dựa trên 8 loại hình thông minh, giúp trẻ sớm tự tin, tự lập trong môi trường THCS.

Các thầy cô giáo giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm của trường Lômônôxốp trực tiếp giảng dạy. Với chương trình học này cha mẹ có thể an tâm để con tự học tại nhà, bổ trợ cho việc học kiến thức trên lớp mà không cần phải vất vả đi học thêm bên ngoài, giúp tiết kiệm tối đa thời gian đi lại và học phí.

Mong rằng những chia sẻ vừa rồi sẽ giúp quý vị phụ huynh bớt phần nào lo lắng khi các con vào lớp 6. Xin trân trọng cám ơn các quý vị đã đồng hành cùng các con và nhà trường!

HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

"Nurturing the future" - Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

www.lomonoxop.vn