TUYÊN TRUYỀN VỀ VỆ SINH AN TOÀN VÀ PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Hiện nay, Ngộ độc thực phẩm là vần đề hết sức phức tạp và đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống của con người. Bộ phận  y tế xin gửi đến CB, GV, NV cùng các bậc phụ huynh và các em học sinh bài tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

1. Định nghĩa

Thực phẩm là: nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người, đồng thời cũng là nguồn có thể gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh;

Vệ sinh an toàn thực phẩm là: tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng nhằm bảo đảm cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là việc bảo vệ sức khỏe cho chính chúng ta;

Ngộ độc thực phẩm là: Hay còn gọi là trúng thực, là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc, hoặc có chứa chất gây ngộ độc, hoặc thức ăn bị biến chất ôi thiu, vượt quá nồng độ chất bảo quản, chất phụ gia cho phép.

2. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ngộ độc rất đa dạng nhưng có thể phân chia thành 4 nhóm chính sau:

* Ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng: Do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn, do virus, do ký sinh trùng: Rota, salmonella, ecoli, tụ cầu vàng…, do nấm mốc và nấm men;

* Ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hoặc bị ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc (dầu, mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần…..). Các chất này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun sôi;

* Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc: Khi ăn phải các thực phẩm có sẵn chất độc rất có thể bị ngộ độc như cá nóc, cá cóc, mật cá trắm, nấm độc, khoai tây mọc mầm, một số loại hạt đậu, lạc bị mốc…;

* Ngộ độc thực phẩm do nhiễm các chất hóa học: Do ô nhiễm kim loại nặng (thực phẩm được nuôi trồng, chế biến tại các khu vực mà nguồn nước, đất bị ô nhiễm các loại kim loại nặng); do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; do phụ gia thực phẩm; do các chất phóng xạ…

3. Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm 

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, có thể xuất hiện khoảng vài phút, vài giờ hoặc khoảng từ 1 đến 2 ngày sau khi ăn. Trong đó, những triệu chứng này sẽ ở mức độ nặng hay nhẹ hay kéo dài trong thời gian bao lâu còn tuỳ vào các yếu tố bao gồm: loại tác nhân gây ra, lượng thực phẩm được sử dụng và hệ miễn dịch của người bệnh. 

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm thường gặp gồm có: 

+ Đau bụng, buồn nôn, nôn mửa

+ Tiêu chảy phân lỏng nhiều nước, nhiều lần trong ngày

+ Trong phân hoặc chất nôn có xuất hiện máu

+ Sốt, chán ăn, cơ thể yếu ớt, mệt mỏi

+ Đau đầu, choáng váng, chóng mặt, ớn lạnh, rùng mình, đau mỏi cơ và khớp

+ Nặng hơn có thể tử vong rất nhanh như nuốt phải các chất độc như: nấm độc, lá ngón…

4, Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm

– Khi phát hiện hoặc nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…của người bệnh) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế khám và điều trị;

– Hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể bằng cách khẩn trương loại bỏ, tống xuất thức ăn nghi gây ngộ độc ra ngoài cơ thể bằng cách gây nôn, khi nôn cho bệnh nhân nằm nghiêng nếu không ngồi được. Với người bệnh là trẻ em, người lớn ngộ độc đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì dễ gây sặc, nghẹt thở, đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất;

Y Te

– Bù nước cho bệnh nhân, sau khi gây nôn nên cho người bị ngộ độc uống thuốc than hoạt  hoặc uống nước oresol (ORS) bù điện giải. Nếu người bị ngộ độc nôn, tiêu chảy mất nước nhiều thì cần tăng lượng nước oresol cho việc mất nước. Tuyệt đối không cho người bị ngộ độc uống thuốc cầm tiêu chảy vì việc nôn mửa và tiêu chảy để cơ thể loại bỏ độc tố;

– Cần lưu giữ thức ăn nghi gây NĐTP để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc và định hướng tìm chất trung hòa độc tính (nếu có);

– Đối với tất cả các trường hợp bị ngộ độc, sau khi sơ cứu tại chỗ đều phải đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời hoặc cho hướng dẫn phù hợp.

– Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.

5. Một số biện pháp phòng tránh

– Nên chọn thực phẩm tươi, sạch, thực hiện ăn chín, uống chín, không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín, thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại, không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu;

– Rửa sạch tay trước và sau khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến, Sử dụng dao và thớt khác nhau khi chế biến thực phẩm sống và thực phẩm chín;

– Không sử dụng thịt từ động vật ốm hoặc chết bệnh;

– Giữ gìn vệ sinh môi trường nơi ăn và chế biến thực phẩm: xa khu chăn nuôi gia súc, nhà vệ sinh, bãi rác thải, cống rãnh ô nhiễm;

– Nơi ăn sạch sẽ thoáng mát, có bàn ăn cao tránh bụi bẩn, thức ăn bầy sẵn có lồng bàn che đậy phòng ruồi nhặng;

– Không sử dụng các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng (vỏ đồ hộp…)… So với ban đầu;

– Không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ nên chọn mua các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm, vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến, nấu chín;

Ngoài ra cần kết hợp các biện pháp quản lý về buôn bán và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, các loại phụ gia thực phẩm, chất bảo quản….

HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

"Nurturing the future" - Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

www.lomonoxop.vn