TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH DẬY THÌ SỚM

Dậy thì là quá trình phát triển tất yếu của con người. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm quá sẽ có những tác động, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý và thể chất của trẻ và gia đình. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào tuổi khởi phát dậy thì, mức độ phát triển các cơ quan sinh dục thứ phát (kích thước, kinh nguyệt…), tùy điều kiện hoàn cảnh kinh tế, xã hội, môi trường sống của trẻ và gia đình…

Dậy Thì Sớm

1. Dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ

Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể cũng như tâm lý của các em sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Cha mẹ có thể nhận thấy ra việc dậy thì sớm ở con trẻ thông qua những dấu hiệu như: Mọc nhiều mụn ở mặt, có mùi cơ thể, tăng chiều cao, cân nặng mạnh mẽ… Ngoài ra, những đặc trưng riêng biệt của dậy thì sớm ở hai giới đó là: 

– Dậy thì sớm ở bé gái:

+ Ngực phát triển mạnh mẽ, nhìn thấy rõ sự nhô lên của vùng ngực

+ Lông cơ thể xuất hiện nhiều: Lông mu, lông nách

+ Hình dáng cơ quan sinh dục ngoài thay đổi to hơn, rõ hơn

+ Xuất hiện kinh nguyệt…

– Dậy thì sớm ở bé trai

+ Cơ quan sinh dục phát triển: tinh hoàn hoặc dương vật to lên

+ Lông trên cơ thể phát triển: Lông mu, lông nách

+ Vỡ giọng: Giọng nói vỡ, trầm

2. Nguyên nhân dậy thì sớm:

Dậy thì sớm ở trẻ có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác như do trẻ có khối u trên buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên, não hay do các vấn đề về thần kinh trung ương, rối loạn hormone, chấn thương não, tiền sử bệnh của gia đình hay do một số di truyền hiếm gặp. Thậm chí, nhiều trường hợp dậy thì sớm không tìm thấy nguyên nhân gây cụ thể. 

Dậy thì sớm trung ương là tình trạng quá trình dậy thì bắt đầu quá sớm, tuy nhiên, các bước trong quy trình dậy thì không xuất hiện bất kỳ điểm bất thường nào, trẻ cũng không gặp phải vấn đề y tế tiềm ẩn nào. Vì vậy, phần lớn các trường hợp trẻ dậy thì sớm trung ương đều không thể xác định được nguyên nhân chính xác. Trong một số trường hợp, trẻ mắc bệnh này có thể liên quan đến các vấn đề sau:

+ Não hoặc tủy sống bị tổn thương.  Hội chứng di truyền McCune-Albright gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, màu da và nội tiết tố.

+ Xuất hiện khiếm khuyết trong quá trình sinh nở: tràn dịch não, u phổi lành tính (hamartoma),…

+ Trẻ bị suy giáp – Tuyến giáp không thể sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể.

+ Trẻ bị tăng sản thượng thận bẩm sinh – Rối loạn di truyền liên quan đến quá trình sản xuất hormone ở tuyến thượng thận.

Dậy thì sớm ngoại vi

Dậy thì sớm ngoại vi là tình trạng dậy thì sớm ít phổ biến hơn, không liên quan đến hormone GnRH. Nguyên nhân khiến trẻ bị dậy thì sớm xuất phát từ sự giải phóng estrogen hoặc testosterone trong cơ thể do các vấn đề xảy ra ở buồng trứng, tinh hoàn ,tuyến thượng thận hoặc tuyến yên của trẻ. Một số vấn đề có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ngoại vi gồm: 

+ Trẻ có khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên gây tiết estrogen hoặc testosterone.

+ Trẻ thường xuyên tiếp xúc với các sản phẩm gây kích thích estrogen hoặc testosterone như kem, thuốc mỡ,…

3. Dậy thì sớm có ảnh hưởng như thế nào ?

– Phát triển xương sớm: Lúc đầu đứa trẻ cao hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng chiều cao lúc trưởng thành sẽ bị hạn chế

– Ảnh hưởng đến tâm lý:Những thay đổi trên cơ thể của bé gái dậy thì sớm có thể làm bé thấy ngại ngùng, xấu hổ vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc. Điều này có thể khiến bé tự ti, trầm cảm và thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành. Để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này, bố mẹ cần trò chuyện, giải thích cho bé hoặc thậm chí có thể cho bé gặp chuyên gia tư vấn tâm lý

– Vấn đề hành vi:Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm sẽ dẫn đến những ham muốn tình dục. Bé còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Hậu quả là mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai khi tuổi đời còn quá nhỏ dẫn đến nạo, phá thai, để lại những sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần.

– Nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang: chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 9 tuổi ở bé gái có nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn nội tiết tố và gây hội chứng buồng trứng đa nang khi trưởng thành.

4. Điều trị dậy thì sớm:

Việc phát hiện và điều trị dậy thì sớm ở trẻ sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển và trưởng thành của xương, hạn chế tối đa các hệ lụy cho dậy thì sớm gây ra, thậm chí đảo ngược tình trạng phát triển tình dục sớm ở trẻ. 

– Giúp con hiểu về cơ thể mình:

Dậy thì là giai đoạn trẻ khá nhạy cảm và dễ bị xấu hổ, không dám tâm sự về những thay đổi trong cơ thể với người khác.

đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường nếu các dấu hiệu này không đến quá sớm. Khi trẻ dậy thì sớm, bố mẹ cũng nên thông báo với trẻ về việc điều trị để trẻ sống đúng với lứa tuổi. 

Theo chia sẻ của các chuyên gia, bố mẹ là người bạn đồng hành tốt nhất để giúp trẻ hiểu rõ hơn về cơ thể của mình, tâm sự và chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên khen ngợi những thành tích trẻ đạt được, bao dung và nhẹ nhàng giải thích về những sai lầm của trẻ, tránh bàn tán nhận xét về ngoại hình của trẻ. 

– Cùng con đi thăm khám để điều trị kịp thời:

Tùy thuộc vào nguyên nhân và từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng trẻ, hạn chế tối đa các ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình và tâm lý của trẻ. Hiện nay, trẻ bị dậy thì sớm thường sẽ được điều trị bằng một trong hai cách sau: 

+ Tìm kiếm và điều trị nguyên nhân cơ bản hoặc bệnh lý gây dậy thì sớm;

+ Cần chỉnh nồng độ hormone giới tính bằng thuốc để ngăn chặn sự phát triển cơ thể do dậy thì sớm.

5. Cách phòng tránh dậy thì sớm ở trẻ:

Dậy thì sớm có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, bố mẹ có thể giảm nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ bằng cách cho trẻ thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

– Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối, tránh để trẻ thừa cân béo phì, nhất là ở các bé gái

– Cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

– Không cho trẻ sử dụng các mỹ phẩm làm đẹp sớm hoặc dùng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến nội tiết tố sinh dục của trẻ.

– Xây dựng thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên: Trẻ cần tăng cường vận động để tiêu hao năng lượng, từ đó, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe khoẳn, tăng sức đề kháng. Một số bộ môn thể thao được khuyến khích cho trẻ như bơi lội, nhảy dây, đá cầu, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ…

HỆ THỐNG Y TẾ LÔMÔNÔXỐP

HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

"Nurturing the future" - Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

www.lomonoxop.vn