TUYÊN TRUYỀN PHÒNG TRÁNH BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG
Bắt nạt học đường đang là một vấn nạn đáng báo động ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Nó là một vấn đề nóng bỏng, gây nhức nhối trong môi trường giáo dục có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong trường học, ngoài cộng đồng và các trang mạng xã hội làm ảnh hưởng đến những người trong cuộc và trở thành mối lo lắng của toàn xã hội, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của trẻ sau này. Chính vì vậy, việc tuyên truyền về thực trạng bắt nạt học đường là hết sức cần thiết.
Bộ phận Y tế Hệ thống Liên cấp Lômônôxốp xin gửi đến các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh khuyến cáo về cách phòng tránh bắt nạt học đường.
1. Hành vi được xem là bắt nạt phải gồm có ba yếu tố cốt lõi
– Có tính chất gây hấn;
– Sự mất cân bằng quyền lực giữa cá nhân đi bắt nạt và đối tượng bị bắt nạt: người bắt nạt có khả năng kiểm soát mối quan hệ khiến nạn nhân gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân. Biểu hiện của sự mất cân bằng quyền lực có thể mang tính chất thể chất, tâm lý hoặc trí tuệ;
– Diễn ra nhiều hơn một lần hoặc có khả năng lặp lại nhiều lần.
2. Các hình thức bắt nạt phổ biến
– Bắt nạt bằng lời nói là nói hoặc viết những điều gây tổn thương đến đối tượng bị bắt nạt: trêu chọc, chửi rủa, xúc phạm, chế nhạo, đe dọa…;
– Bắt nạt xã hội là các hành vi hạ thấp uy tín, làm tổn hại đến danh dự hoặc các mối quan hệ của đối tượng: tẩy chay, cố ý loại đối tượng ra khỏi một nhóm khiến họ cô lập với tập thể, tung tin đồn thất thiệt…;
– Bắt nạt thể chất là các hành vi làm tổn thương cơ thể hoặc tài sản của một người: đánh/ đấm đá/ xô đẩy, chiếm đoạt hoặc làm hư hại đồ dùng cá nhân…; Bắt nạt trực tuyến (mạng xã hội) là hành vi bắt nạt diễn ra trên các thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính…) trên các nền tảng mạnh xã hội (game, facebook…) nơi mọi người có thể xem hoặc chia sẻ nội dung trực tuyến: đăng/ gửi các hình ảnh, nội dung tiêu cực, có hại, sai sự thật hoặc ác ý về người khác….
3. Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bắt nạt học đường hiện nay, cần thực hiện:
Cách đối phó với bắt nạt:
– Giữ bình tĩnh: hít thở sâu và cố gắng không phản ứng quá khích để tránh cho sự việc không bị đẩy vào tình thế khó và không an toàn cho bản thân;
– Đi cùng nhau: đừng bao giờ mạo hiểm ở một mình với bất kỳ người nào khiến bạn cảm thấy không an toàn, nên đi cùng một vài người bạn hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xung quanh vào những thời điểm bạn thấy lo ngại về nguy cơ bị bắt nạt;
– Tìm kiếm sự giúp đỡ: nếu bạn chịu đựng và tự chống chọi một mình thì khả năng cao là sự việc bắt nạt sẽ vẫn tiếp diễn vì bản thân không đủ các điều kiện để ngăn chặn các hành vi đó. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người lớn như cha mẹ hoặc một thành viên trong gia đình hoặc giáo viên, họ có thể lắng nghe và đồng hành cùng bạn. Trường hợp bạn thấy khó mở lòng có thể nói chuyện với người quen, tìm kiếm các tổ chức cung cấp trợ giúp chuyên môn hoặc các số điện thoại đường dây nóng trợ giúp như 113 (lực lượng công an) và 115 (cấp cứu y tế);
Viết nhật ký hoặc thu thập các bằng chứng về hành vi bắt nạt: đây là một hình thức chứng minh việc bắt nạt học đường hãy cung cấp các bằng chứng cần thiết và chính xác cho người lớn để được nhận sự can thiệp kịp thời.
Nếu bị bắt nạt trực tuyến nên: đăng xuất khỏi thiết bị điện tử giúp bạn điều hòa cảm xúc tiêu cực. Đừng trả lời hoặc có hành vi trả đũa vì như vậy bạn đã gián tiếp trở thành đồng phạm với họ. Chặn và thu thập các bằng chứng nên lưu lại để báo cáo kẻ bắt nạt bạn cho các trang mạng xã hội để họ giữ an toàn cho người dùng.
Các giải pháp:
– Tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho học sinh tại trường học;
– Học sinh tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn, lễ phép, luôn đoàn kết, thân ái với bạn bè;
– Chấp hành tốt nội quy của trường, của lớp;
– Tránh xa bắt nạt, nói không với bắt nạt học đường;
– Học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động mà nhà trường tổ chức nhằm tính hướng thiện trong con người;
– Nếu thấy hiện tượng bắt nạt học đường, các em phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan công an để kịp thời can thiệp và xử lý.
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình Nhà trường – Xã hội trong việc giáo dục đạo đức học sinh.
Y TẾ HỆ THỐNG