TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH

Tai nạn thương tích là một sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn do một tác nhân bên ngoài gây nên các tổn thương, thương tích cho cơ thể về thể chất hay tinh thần. Hiện nay nguy cơ liên quan đến TNTT học đường của học sinh rất nghiêm trọng, để phòng ngừa các tai nạn có thể xảy ra với học sinh bộ phận y tế nhà trường khuyến cáo các PHHS và học sinh toàn trường các kiến thức kỹ năng phòng tránh sau:

1. Các nguyên nhân gây nên tai nạn thương tích

– Tai nạn giao thông: Là những trường hợp tai nạn xảy ra do sự va chạm bất ngờ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người; chúng thường gây nên khi các đối tượng tham gia giao thông hoạt động trên đường giao thông công cộng, đường chuyên dùng hoặc ở các địa bàn giao thông công cộng khác… Do chủ quan vi phạm luật lệ giao thông hay do gặp phải các tình huống, sự cố đột ngột không kịp phòng tránh nên đã gây ra thiệt hại, thương tổn đến tính mạng và sức khỏe;

– Bỏng là tổn thương một hoặc nhiều lớp tế bào da khi cơ thể tiếp xúc với chất lỏng nóng, chất rắn nóng, lửa. Các trường hợp tai nạn thương tích khác ở da do sự phát xạ của tia cực tím hoặc phóng xạ, điện, chất hóa học cũng như bị tổn thương phổi do bị khói xộc vào cũng được xem là những trường hợp bị bỏng;

– Đuối nước là những trường hợp tai nạn thương tích xảy ra khi bị chìm trong chất lỏng như nước, xăng, dầu… dẫn đến ngạt thở do thiếu oxy hoặc ngừng tim dẫn đến tử vong trong vòng 24 giờ phải cần đến sự chăm sóc y tế hay bị các biến chứng khác;

– Điện giật là những trường hợp tai nạn thương tích do tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện dẫn đến bị thương hoặc tử vong;

– Ngã là những trường hợp tai nạn thương tích do bị ngã, rơi từ trên cao xuống hoặc ngã trên cùng một mặt bằng;

– Động vật cắn gây nên chấn thương là những trường hợp tai nạn thương tích do các loại động vật cắn, húc hoặc đâm phải vào người;

– Ngộ độc là những trường hợp hít phải, ăn vào, tiêm vào cơ thể các loại độc tố dẫn đến tử vong hoặc các loại ngộ độc khác cần đến sự chăm sóc y tế. Tai nạn thương tích do ngộ độc còn có thể do nguyên nhân ngộ độc thức ăn và ngộ độc bởi các chất độc khác.

2. Các biện pháp phòng ngừatai nạn thương tích – đuối nước sau đây:

 2.1. Củng cố cơ sở vật chất của trường phòng chống té ngã cụ thể:

– Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt;

– Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can;

– Bàn ghế hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay;

– Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn;

– Giáo dục học sinh không chạy nhảy, đùa nghịch, xô đẩy nhau…

2.2. Phòng ngừa đánh nhau, bạo lực trong trường học:

– Giáo dục ý thức cho học sinh không được gây gổ, đánh nhau trong trường;

– Không cho học sinh mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, súng cao su và các hung khí…;

– Giáo viên với học sinh; học sinh với học sinh; học sinh với người lớn phải thân thiện, cởi mở, chân thành;

– Xây dựng trường, lớp tự quản, đoàn kết.

2.3. Phòng ngừa tai nạn giao thông:

– Trường phải có cổng, hàng rào;

– Hết giờ đón học sinh phải đóng cổng, không cho học sinh chạy ra đường chơi khi trường ở gần đường;

– Phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học;

– Hướng dẫn học sinh thực hiện Luật an toàn giao thông. Tổ chức các buổi tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt dưới cờ; phát thanh; áp phích…

2.4. Phòng ngừa bỏng, nhiễm độc:

– Phòng học, các phòng chức năng khác phải có nội quy hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất, an toàn điện;

– Không cho học sinh tới khu vực bếp nấu nướng và chỉ ăn ở nhà ăn.

2.5. Phòng ngừa đuối nước:

– Hướng dẫn học sinh tìm hiểu về Luật an toàn giao thông đường thủy;

– Nơi có ao hồ, sông suối phải chú ý mùa nước lũ học sinh đi học qua cầu tràn rất nguy hiểm cần phải đảm bảo an toàn;

– Trong trường học nếu có ao, hồ, bể bơi…phải có cảnh báo hoặc nhân viên trực giám sát. Không chứa đựng nước vào xô, chậu;

– Khi đi bơi phải có sự hướng dẫn hoặc giám sát của người lớn và luôn mặc áo phao.

2.6. Phòng ngừa điện giật:

– Hệ thống điện trong lớp phải an toàn: không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao;

– Hướng dẫn học sinh tránh xa các khu vực có hệ thống điện nguy hiểm.

2.7. Phòng ngừa ngộ độc thức ăn:

– Thực phẩm chế biến cho học sinh phải đảm bảo sạch, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;

–  Ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi, hợp vệ sinh;

– Không để học sinh tự ý mang đồ ăn vặt vào trường ăn vì không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Vì tương lai tốt đẹp của con em chúng ta, mỗi người hãy nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.

Y TẾ HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

——————
HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP (MN-TH-THCS-THPT)
🌈 Nurturing The Future – Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

"Nurturing the future" - Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

www.lomonoxop.vn