TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG SAY NẮNG, SAY NÓNG VÀO MÙA HÈ

Say nắng, say nóng là hiện tượng dễ gặp trong mùa hè. Không chỉ có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu…, mà còn có thể gây đột quỵ, nếu không xử lý kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

1. Nguyên nhân dẫn đến say nắng, say nóng

– Say nắng là phản ứng của cơ thể khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng, làm rối loạn điều hòa thân nhiệt cùng với hiện tượng mất nước của cơ thể;

– Say nóng là phản ứng của cơ thể khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao, nóng bức hoặc hoạt động thể lực quá sức sẽ dẫn đến hiện tượng mất nước toàn thân kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt.

2. Biểu hiện khi bị say nắng say nóng

– Mức độ nhẹ: Mệt mỏi, khát nước, hoa mắt chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút;

– Mức độ nặng: Đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, yếu hoặc liệt nửa người, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể tử vong.

3. Các biện pháp dự phòng say nắng, say nóng

– Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức;

– Uống đầy đủ nước khi trời nóng, khi lao động nặng, khi làm việc trong môi trường nóng hoặc ngoài trời nắng;

– Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi đi ngoài trời nắng, khi lao động làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính;

– Làm thoáng mát môi trường làm việc, học tập;

– Không vui chơi ngoài trời khi thời tiết đang nắng nóng.

4. Cách xử trí khi bị say nắng say nóng

– Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ;

– Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân;

– Tại các trung tâm y tế, nạn nhân sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp nạn nhân sốt cao có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có co giật phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Trường hợp nạn nhân hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản thở máy.

Y TẾ HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

——————
HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP (MN-TH-THCS-THPT)
🌈 Nurturing The Future – Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

"Nurturing the future" - Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

www.lomonoxop.vn