TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ
Bệnh đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý thường gặp ở mắt, tuy không quá nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh.
Bộ phận Y tế Hệ thống Liên cấp Lômônôxốp xin gửi đến các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh khuyến cáo về cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?
– Bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) bệnh là do virus (Adenovirus), vi khuẩn hoặc viêm dị ứng gây ra;
– Bệnh thường gặp vào mùa hè cho đến cuối mùa thu, khi thời tiết giao mùa, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước,…là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát thành dịch;
– Đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh là người có sức đề kháng kém, trẻ em;
– Bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính. Thường khỏi sau từ 7 – 10 ngày nếu được phát hiện kịp thời, điều trị tích cực.
2. Triệu chứng của bệnh
Đường lây:
– Tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bị bệnh;
– Sử dụng nguồn nước nhiễm bệnh;
– Thói quen hay dụi tay lên mắt, mũi, miệng;
– Nơi công cộng, trường học, bệnh viện, xe bus, tàu hỏa, máy máy,…
Biểu hiện:
– Đỏ một mắt trước;
– Sau đó lan sang mắt còn lại, cảm thấy khó chịu, cộm như có cát, xuất hiện dử mắt (có thể màu vàng hoặc xanh), buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt;
– Mi mắt sưng nề, mọng, đỏ (do cương tụ mạch máu), đau nhức, chảy nước mắt;
– Có thể xuất hiện mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch ở tai, nhạy cảm với ánh sáng;
3. Phòng bệnh
– Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn và nước sạch;
– Vệ sinh mắt, mũi thường xuyên bằng nước sạch và nước muối sinh lý (0,9%);
– Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, thường xuyên vệ sinh sát khuẩn đồ dùng cá nhân;
– Bỏ thói quen dụi tay lên mắt, mũi, miệng;
– Truyền thông giáo dục cho trẻ ý thức vệ sinh chăm sóc đôi mắt hiệu quả;
– Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là Vitamin A, tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe;
– Thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng;
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;
– Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trường hợp có dấu hiệu mắc bênh cần nghỉ học/ nghỉ làm đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời;
– Hàng năm định kỳ kiểm tra thị lực để phát hiện sớm các trường hợp mắc các bệnh tật về mắt để có biện pháp điều trị phù hợp
Kính chúc Thầy cô giáo, các con Học sinh và cùng gia đình luôn mạnh khỏe và bình an.
Trân trọng!
Y TẾ HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP