TRUYỀN THÔNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH SỞI
Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Bước vào thời gian giao mùa đông xuân là thời điểm của nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát, trong đó có bệnh Sởi.
Bộ phận Y tế xin gửi đến các thầy cô giáo, nhân viên, học sinh và phụ huynh khuyến cáo về cách phòng chống dịch bệnh Sởi như sau:
1. Nguyên nhân gây bệnh.
– Bệnh sởi do vi rút sởi Polinosa morbillarum thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại virus có sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường, ánh sáng mặt trời…virus sởi tồn tại ở họng và máu bệnh nhân từ cuối thời kì ủ bệnh đến sau khi phát ban một thời gian ngắn;
– Các đối tượng chưa tiêm vắc xin phòng bệnh dễ mắc phải bệnh này. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em, gây viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hoá và các phát ban đặc hiệu;
– Có nhiều biến chứng nặng nề như: Viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt. Đặc biệt là nguy cơ tử vong cao, nhất là ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu.
2. Triệu chứng của bệnh
– Thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau:
+ Sốt cao > 39°C;
+ Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng;
+ Chảy nước mắt, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt;
+ Nốt ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.
3. Các biện pháp phòng chống bệnh
– Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người tiêm đã đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vắc xin hoặc đã nhiễm bệnh sẽ mang lại miễn dịch bền vững trọn đời. Một liều vắc xin sởi có hiệu quả ngăn ngừa bệnh sởi là 93% và tiêm đủ 2 liều vắc xin sẽ có hiệu quả phòng ngừa lên đến 97%.