PHÒNG, TRÁNH DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ EM

Dậy thì sớm ở trẻ đang là nỗi lo của rất nhiều bậc làm cha mẹ. Không ít trẻ mặc cảm vì cơ thể phổng phao hơn bạn bè cùng trang lứa, phải chịu đựng những cơn đau bụng khi “đến tháng” giống như người trưởng thành. Bên cạnh đó còn đối mặt với rối loạn tâm lý và nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến dậy thì quá sớm. Thực tế,  tỷ lệ trẻ dậy thì sớm tại Việt Nam đang có sự gia tăng, căn bệnh này có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.

3

Tuổi dậy thì và sự phát triển đúng chuẩn của trẻ

  1. DẤU HIỆU DẬY THÌ SỚM Ở TRẺ

– Dậy thì sớm là tình trạng bé trai chưa đủ 10 tuổi hoặc bé gái chưa đủ 9 tuổi nhưng lại có những sự phát triển trước thời hạn. Tuy nhiên tuổi dậy thì của từng trẻ còn bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như di truyền, tình trạng sức khỏe, chế độ ăn uống dinh dưỡng;

– Ở bé gái, dậy thì sớm có dấu hiệu như vú phát triển. Sau đó là quá trình mọc lông mu, lông nách, xuất hiện mụn trứng cá. Khi tuyến vú phát triển khoảng 2-3 năm trẻ có hiện tượng xuất hiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên;

– Đối với bé trai các cách nhận biết dậy thì quá sớm biểu hiện bằng kích thước của tinh hoàn to lên, dương vật và bìu phát triển, sau đó trẻ mọc lông mu, lông nách và xuất hiện mụn trứng cá, giọng nói trầm hơn.

– Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Trong giai đoạn dậy thì trẻ có thể cao hơn các bạn đồng trang lứa, tuy nhiên ở giai đoạn sau trẻ có nguy cơ bị chậm tăng trưởng chiều cao vì xương bị cốt hóa sớm”.

  1. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TRẺ BỊ DẬY THÌ SỚM

– Ăn uống quá nhiều chất dinh dưỡng dư thừa. Tỷ lệ những trẻ béo phì dậy thì sớm hơn hẳn những trẻ bình thường;

– Ăn những thức ăn chứa nhiều chất kích ứng hormone giới tính. Nội tạng, phần thịt ở cổ của động vật: thịt động vật cung cấp nhiều chất đạm tốt cho trẻ nhưng mẹ nên tránh cho con ăn thịt cổ gà, gan heo, huyết…vì khiến trẻ dễ bị béo phì, gan nhiễm mỡ;

– Các nhân tố xã hội như sách, ảnh, phim, truyện về giới tính khi trẻ được sớm tiếp xúc cũng chính là một phần dẫn đến sự phát triển dậy thì sớm. Chưa kể khi bé bị stress, những hormon tiết ra ở tế bào não cũng “kích hoạt” yếu tố dậy thì sớm như một dạng trầm cảm tiềm ẩn;

– Dậy thì sớm ngoài những nguyên nhân khách quan trên thì nó đôi khi cũng là biểu hiện của những chứng bệnh nguy hiểm như hội chứng suy giáp, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh hoặc tác dụng phụ của thuốc trong việc điều trị những chứng bệnh của trẻ trong quá khứ. 

III. CÁCH PHÒNG, TRÁNH TRẺ DẬY THÌ SỚM

Dậy thì sớm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể giảm nguy cơ dậy thì sớm cho trẻ bằng cách thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:

– Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, phù hợp độ tuổi. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh nhưng lưu ý tránh cho trẻ ăn các loại trái cây, rau củ trái mùa, biến đổi gen;

– Kiểm soát cân nặng của trẻ, tránh để trẻ thừa cân, béo phì: Một số nghiên cứu cho thấy béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ;

– Cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế;

– Không cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có tác dụng kích thích tăng trưởng, tăng chiều cao, thực phẩm chức năng… khi không có chỉ định từ các bác sỹ. Không cho trẻ sử dụng mỹ phẩm làm đẹp sớm và tránh cho trẻ tiếp xúc với những sản phẩm ảnh hưởng đến nội tiết tố sinh dục của trẻ;

– Không cho trẻ xem phim/ảnh, tiếp cận những thông tin không phù hợp với lứa tuổi;

– Tập cho trẻ thói quen rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên nhằm nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch.

HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

"Nurturing the future" - Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

www.lomonoxop.vn