HƯỚNG DẪN PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Tổng quan về bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm, cấp tính gây dịch do virus gây ra. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn đốt.

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11. Người mắc bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong, đặc biệt là trẻ em.

Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

  • Sốt cao đột ngột từ 39°C trở lên, kéo dài trong 2-7 ngày liền, khó hạ sốt;
  • Đau đầu dữ dội vùng đầu, trán, hốc mắt;
  • Có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi;
  • Trường hợp nặng có dấu hiệu chảy máu như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, đau bụng, vật vã…

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/ bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; cọ rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa.
  • Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, lốp xe cũ.
  • Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
  • Tích cực phối hợp với Ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
  • Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

HỆ THỐNG LIÊN CẤP LÔMÔNÔXỐP

"Nurturing the future" - Nuôi dưỡng thế hệ tương lai

www.lomonoxop.vn