Cảnh giác với bệnh cúm mùa và những điều cần lưu ý
Trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường, nhất là thời điểm giao mùa, bệnh cúm mùa hàng năm đang diễn biến phức tạp có nguy cơ lây lan và bùng phát rất cao.
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virut cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc… Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vacxin cúm để phòng bệnh.
Bộ phận Y tế nhà trường xin gửi đến các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên, học sinh và PHHS về cách phòng chống bệnh cúm mùa như sau:
1. Triệu chứng bệnh cúm mùa:
-
- Sốt (trên 38 độ).
- Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.
- Hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi.
- Ho (ho khan hoặc ho có đờm), đau họng.
- Một số người có biểu hiện nôn, buồn nôn…
- Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục sau 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em và người già có sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn.
- Trường hợp nặng: bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi, suy hô hấp… và có thể dẫn đến tử vong.
- Lưu ý: Vì triệu chứng của bệnh cúm mùa và covid-19 khá giống nhau nên cần biết điểm khác biệt giữa bệnh cúm mùa và covid-19. Với cúm mùa có triệu chứng là ho khan hoặc ho có đờm thì covid-19 triệu chứng lại chỉ là ho khan.
Những kiến thức cơ bản về bệnh cúm. (Ảnh nguồn Internet)
2. CÁCH PHÒNG BỆNH
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng, mũi khi ho và hắt hơi để giảm phát tán dịch theo đường hô hấp. Hàng ngày nên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý.
– Đảm bảo nơi ở, làm việc, học tập thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên lau chùi sàn nhà, tay nắm cửa, các vật dụng… bằng hóa chất diệt khuẩn.
– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể.
– Tiêm vacxin phòng dịch cúm định kì hàng năm.
– Mọi người cần tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi mắc cúm, hạn chế đến chỗ đông người. Đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch cần tránh tiếp xúc vì có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nếu thấy có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cúm như trên thì cần hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm, không tự ý mua thuốc mà phải liên hệ với cơ sở y tế để được bác sĩ hướng dẫn.
Kính chúc các thầy giáo, cô giáo, các con học sinh và gia đình luôn mạnh khỏe, bình an.
Trân trọng!
Y TẾ HỆ THỐNG